'Đặt hàng' doanh nghiệp Việt làm nền tảng chuyển đổi số
Kêu gọi các doanh nghiệp phát triển nền tảng chuyển đổi số, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc này sẽ giúp giữ được tài nguyên dữ liệu của Việt Nam.
Phát biểu mở đầu Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số phiên chiều nay (11/12), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số công ty cũng như doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10% năm 2021 dù dịch bệnh.
"Năm nay cũng có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán trong nước, cũng như đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên", ông chia sẻ.
Diễn đàn đã tổ chức được ba năm. Năm nay, Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. "Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển chúng là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và nó giữ lại cho chúng ta tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Chiểu
Ông cho rằng những nền tảng số sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ trong nước là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.
Ông Hùng khẳng định, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ. "Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động", ông đánh giá.
Theo ông, chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Bộ trưởng cũng nhận định chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hóa. Ông giải thích phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng, ví dụ là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ, như dịch vụ gọi xe công nghệ. Còn phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo.
"Cả ba xu thế này đều làm cho nền kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu, vì vậy chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Chính phủ sẽ có một chiến lược để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ có nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm đầu mối để công bố các bài toán chuyển đổi số Việt Nam.
"Một trang web quốc gia để chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi số sẽ được thiết lập. Chia sẻ về cái mới thành công là cách tốt nhất để lan toả và đi nhanh", ông Hùng thông tin. Đồng thời, bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cũng sẽ được ban hành trong năm nay, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh và đi đúng hướng.
Theo vnexpress.net