Cộng hưởng ba bên thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam – NETALINK JSC
Giỏ hàng

Cộng hưởng ba bên thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam

Sự tham gia và cộng hưởng của nhà nước, tập đoàn lớn và doanh nghiệp công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam.

Nhận định trên được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Lễ trao giải cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Chuyển đổi số quốc gia Viet Solutions sáng 18/10.

Theo Bộ trưởng, mô hình này đã cho thấy sự ưu việt và tính hiệu quả, khi mỗi bên đều phát huy được sức mạnh và góp phần mang lại giá trị chung. Trong đó, nhà nước giữ vai trò ban hành chiến lược, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, cũng như đưa ra các bài toán quy mô quốc gia và đầu tư cho nghiên cứu dài hạn. Còn tập đoàn lớn có sức mạnh về tài chính, thị trường và có thể đưa ra các yêu cầu khắt khe của hệ thống lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp công nghệ có ý tưởng, sự sáng tạo và nhanh nhạy.

"Sự cộng hưởng này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam vì sẽ có những giải pháp có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống, góp phần xây dựng sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu", ông Hùng nói thêm.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ trao giải Viet Solutions 2021. Ảnh: Minh Sơn

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ trao giải Viet Solutions 2021. Ảnh: Minh Sơn

Bộ trưởng nhận định, ở Việt Nam, "cái gì là toàn dân thì sẽ thành công". Việc tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số cho Việt Nam cần tập hợp các bài toán của Việt Nam, đồng thời cần giúp Việt Nam phát triển. "Thời đại này, câu hỏi đúng quan trọng hơn câu trả lời, bài toán tường minh quan trọng hơn lời giải. Việc khó với mình có thể không khó với ai đấy ngoài kia. Bởi vậy, cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán, công khai vấn đề của mình", ông nói.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng sau ba năm, Viet Solutions đã trở thành vườn ươm cho các ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp non trẻ và sản phẩm công nghệ mới. Sự kết hợp của ba bên được đánh giá là đã thúc đẩy sự sáng tạo, tạo ra thị trường để khích lệ các công ty công nghệ non trẻ. Thông qua đó, mô hình góp phần vào mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2025.

Theo đơn vị tổ chức, qua ba mùa thi, Viet Solutions thu hút hơn 800 sản phẩm và ý tưởng gửi đến dự thi. Một số đã được ứng dụng trên thực tế và đem lại hiệu quả. Ví dụ, bản đồ Map4D sau cuộc thi năm ngoái đã hợp tác với các công ty logistic như Viettel, VNPT, AhaMove, đồng thời được triển khai tại một số di tích lịch sử. Hay giải pháp xây dựng quy trình kinh doanh tự động bằng trí tuệ nhân tạo VVN AI đạt doanh thu 1 triệu USD sau một năm. Từ 2019 đến 2021, tập đoàn Viettel, đồng tổ chức cuộc thi, cũng đã hợp tác với chín sản phẩm, tổng giá trị 44 tỷ đồng.

Năm nay, Viet Solution nhận được 257 hồ sơ từ 17 quốc gia. Trong đó, 85% hồ sơ thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia. 16 đội thi dẫn đầu đã được hỗ trợ đưa sản phẩm thương mại hóa ra thị trường.

Với giải pháp chuyển dữ liệu số thành video tương tác, cho phép doanh nghiệp có thể tạo video cá nhân hóa cho khách hàng, đội Vintom giành giải Nhất cuộc thi năm nay.

Hai giải Nhì được trao cho DiGiAds với giải pháp tích hợp AIoT quản trị nội dung số trên các màn hình số, và CyberPurify với giải pháp dùng AI để lọc nội dung có hại trên Internet. Đội Emddi cung cấp nền tảng vận tải giúp các công ty taxi có thể kết nối với khách hàng, và đội Dino Đi học với giải pháp ứng dụng học cho trẻ 3-6 tuổi, cùng giành được giải Ba.

Theo Lưu Quý (VnExpress)

KHÓA HỌC: NHÀ TƯ VẤN CHUYỂN ĐỔI SỐ 4.0

NEED TO HIRE