Chuyển đổi số sôi động nhưng chưa tới doanh nghiệp nhỏ
Chuyển đổi số sôi động nhưng chưa tới doanh nghiệp nhỏ
Covid-19 đã đẩy chuyển đổi số phát triển mạnh nửa năm qua nhưng "hơi thở" này còn chưa lan tỏa đến các doanh nghiệp nhỏ.
"Trải nghiệm khách hàng", theo ông Nguyễn Văn Phi, Tổng giám đốc Sơn Kim Retail, đang là một trong những từ khóa đắt giá nhất ngành bán lẻ và công nghệ trợ giúp điều đó. "Để làm được điều này, đòi hỏi một hệ thống quản lý xuyên suốt và kịp thời", ông Phi nói.
Hôm 31/7, Sơn Kim ký kết với Hitachi Vantara Việt Nam để triển khai giải pháp quản lý, kinh doanh và nghiệp vụ toàn diện về bán lẻ cho Sơn Kim Retail và Sơn Kim Mode. Việc triển khai hệ thống ERP mới được kỳ vọng giúp nâng cao khả năng vận hành cũng như năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô.
Việc chuyển mình của Sơn Kim nối tiếp nhiều cú bắt tay lớn từ đầu năm đến nay, dánh dấu sự sôi động của hoạt động chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp Việt. Trước đó, đầu tháng 5, Lộc Trời ký hợp đồng với Citek triển khai hệ thống ERP SAP S/4HANA. Hồi tháng 3, FPT ký ghi nhớ hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số với 3 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam, gồm Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA).
"Ngành gỗ đang rất quan tâm đến công nghệ thông tin và muốn tối ưu hóa sản xuất, thiết kế và kinh doanh", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA nói trong một buổi talkshow mới đây cho Hội tin học TP HCM (HCA) tổ chức. Ông Phương cho biết tháng 8 này sẽ có khoảng 50 showroom online giới thiệu đồ nội thất dưới hiển thị 3D của các doanh nghiệp trong ngành vận hành.
Sự sôi động hiển thị cụ thể bằng số ở một số nhà cung cấp giải pháp lớn. 6 tháng đầu năm, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 1.773 tỷ đồng, tăng 65%. Riêng doanh thu đến từ việc bán sản phẩm "made by FPT" tại thị trường trong nước đã tăng 28% so với cùng kỳ 2019.
Trước đó, Viettel cho biết, chỉ riêng trong tháng 2, các đơn vị kinh doanh sản phẩm chuyển đổi số đều tăng trưởng doanh thu. Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel tăng 111%, Tổng công ty Dịch vụ số tăng 107%.
Nửa đầu năm, nhiều hợp đồng chuyển đổi số lớn được công bố công khai tại Việt Nam. Ảnh: Pixabay
Nhưng chuyển đổi số đang sôi động ở các doanh nghiệp lớn, chưa phát triển đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA), tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên thường coi chuyển đổi số là "sân chơi" của những ông lớn.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng "SME hầu như rất bình tĩnh, chưa nóng vội gì chuyện chuyển đổi số".
Theo ông Tuệ, có 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên, doanh nghiệp chưa hình dung được lợi ích của chuyển đổi số. Thứ hai, họ không rõ chi phí thế nào, cần mua sắm cái gì, lợi ích thu lại so với số tiền đầu tư khó tính toán cụ thể. Thứ ba, họ cũng không biết bắt đầu thế nào, từ đâu.
Ông Nguyễn Chánh Phương cũng thừa nhận, một số doanh nghiệp nhỏ trong ngành gỗ cũng còn khá mơ hồ về việc chuyển đổi số. Ngoài ra, họ cũng gặp khó là khi nghĩ đến chuyện này thì không biết tìm đến những ai, nhà cung cấp nào. Điều các doanh nghiệp cần là một bên trung gian, hay một nền tảng tập hợp cung - cầu để họ dễ dàng gặp nhau, nghe tư vấn và so sánh, chọn lựa.
Việc "phổ cập" chuyển đổi số ở diện rộng sẽ không đơn giản và một sớm một chiều, nhưng để đẩy nhanh nó cũng có vài góp ý của chuyên gia.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch HCA xác nhận các SME chuyển đổi số còn ít do vướng mắc về nguồn lực con người và tài chính. Do đó, nhóm doanh nghiệp này cần các giải pháp nhỏ, nhanh, phù hợp với giá rẻ chứ không thể cồng kềnh. "Giải pháp tung ra phải phù hợp nhu cầu doanh nghiệp chứ không phải nhu cầu người bán", ông nói.
Chia sẻ tại Tech Summit 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức gần đây, ông Huỳnh Lương Huy Thông, Đại diện Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho biết, chuyển đổi số tại một doanh nghiệp sẽ có 3 quá trình: bắt đầu từ việc chuyển từ môi trường vật lý lên môi trường số, để dữ liệu số được lưu trữ và chia sẻ dễ dàng. Tiếp theo, xác định mục tiêu, mô hình hoạt động sẽ như thế nào sau khi chuyến đổi số và bước cuối cùng là thực hiện.
Nói cách khác, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số phải có ý thức đi dần từng bước, chứ chẳng thể nào "tay không đánh giặc". Ông Huỳnh Chí Hiếu, Giám đốc Giải pháp khối FSI thuộc CMC Sài Gòn nói, để khai thác hiệu quả công nghệ thông tin thì phải trải qua giai đoạn làm giàu dữ liệu. Trước tiên, doanh nghiệp cần được động viên tư duy số hóa các dữ liệu giấy.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho rằng, không có con đường nào khác là phải chuyển đổi số. Hiện nay, có doanh nghiệp xem chuyển đổi số là xa xỉ những cũng có doanh nghiệp đã có mong muốn thực hiện.
"Tôi nghĩ cần phải có thêm áp lực. Ví dụ Covid-19 buộc doanh nghiệp phải tìm cách làm việc từ xa. Hay như quy định về hoá đơn điện tử cũng đã 'ép' doanh nghiệp chuyển đổi số mảng này. Vì vậy, có thể cơ quan quản lý cần thêm chính sách để đốc thúc cho doanh nghiệp chuyển đổi số", ông Dũng nói.
Ông Dũng từng là Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung và Chủ tịch HCA trước khi về công tác tại HUBA. Ông cho rằng thị trường sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin cần phong phú hơn, các giải pháp có khả năng kết nối được với nhau chứ không thể bị 'cát cứ'. "Hiện tôi cảm thấy có sự cục bộ", ông nói.
vnexpress.net
NETALINK ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP SME TRONG TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ