Sự trỗi dậy của TikTok Shop: Thời của mua sắm và giải trí
Theo đuổi mô hình shopertainment (kết hợp mua sắm và giải trí), không lâu sau khi chính thức ra mắt, TikTok Shop đã nhanh chóng trở thành công cụ khám phá ưa chuộng của người dùng, “vượt mặt” một số sàn thương mại điện tử và thay đổi bức tranh của ngành bán lẻ.
Sau khi ra mắt, TikTok Shop nhanh chóng thực hiện chiến lược tung khuyến mãi và thu hút được lượng lớn người dùng.
TikTok Shop trỗi dậy
Năm 2022, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến màn rượt đuổi doanh số giữa các tên tuổi. Shopee dẫn đầu với doanh số 91.000 tỷ đồng sau 11 tháng, TikTok Shop (một tính năng mua sắm trực tuyến được tích hợp trong ứng dụng mạng xã hội TikTok) trỗi dậy ở giai đoạn cuối năm.
Theo thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán phát sinh đơn hàng. Mức doanh số này đủ giúp TikTok Shop vượt qua Tiki (396 tỷ đồng), chỉ kém Lazada (2.603 tỷ đồng) và Shopee (8.761 tỷ đồng) trên bảng xếp hạng các sàn TMĐT có doanh số lớn nhất tháng tại Việt Nam.
Trung bình mỗi ngày, TikTok Shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Phân khúc sản phẩm có giá trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng đem lại mức doanh thu cao nhất cho các nhà bán hàng trên sàn TikTok Shop, chiếm 39% với 647 tỷ đồng trong một tháng.
Ngoài ra, theo bảng xếp hạng mới nhất của hệ thống lắng nghe và giám sát Reputa, TikTok Shop đã vượt qua Sendo và Tiki để trở thành sàn TMĐT phổ biến thứ ba trên mạng xã hội trong tháng 11/2022, chỉ đứng sau Lazada và Shopee.
Là một “tay chơi mới” trên thị trường, nhưng TikTok Shop đã cho thấy sức trỗi dậy lớn nhất trong năm 2022. Sau khi chính thức ra mắt vào đầu năm 2022, TikTok Shop nhanh chóng thực hiện chiến lược tung khuyến mãi để hút người dùng, như cách Shopee và Lazada từng làm.
Mặc dù đạt được những số liệu ấn tượng, song theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, TikTok đang cố gắng giảm số lượng đơn hàng bán ra, bởi không muốn tăng trưởng nóng. Ông Thanh cũng thừa nhận, hệ thống còn nhiều lỗi, nhưng đội ngũ vận hành đang nỗ lực vừa làm vừa sửa và đã xử lý nhiều vấn đề.
“Điều quan trọng là nền tảng này tạo ra cơ hội chia đều cho tất cả, sinh viên hay những người công nhân cũng có thể bán hàng mỗi tối”, ông Thanh chia sẻ.
Hiện mỗi ngày có khoảng 50 triệu giờ xem video trên TikTok ở Việt Nam, chưa kể xem livestream (phát trực tiếp).
Bên cạnh đó, TikTok trở thành công cụ khám phá ưa chuộng của người dùng. Nội dung trên nền tảng kích thích họ khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới một cách tự nhiên, thậm chí đưa ra các quyết định mua hàng không được lên kế hoạch từ trước. Một nửa người dùng TikTok thừa nhận, họ đã khám phá sản phẩm hoặc thương hiệu mới khi đang sử dụng nền tảng, 89% đã mua hàng ngoài kế hoạch sau khi xem video trên TikTok. Đây cũng là con số cao nhất trong tất cả các nền tảng mạng xã hội hiện có.
Bán hàng cho những người không có nhu cầu
Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, ý tưởng của TikTok là bán hàng cho những người không có nhu cầu. Sau khi triển khai ý tưởng này, có những ngày, TikTok ghi nhận 700.000 - 800.000 người mua hàng ở Việt Nam; lượng người bán cũng lên tới con số vài chục ngàn.
Cụ thể, nền tảng TikTok cung cấp 3 loại dịch vụ. Đầu tiên, là giúp người dùng được giải trí khi xem video. Thứ hai là giải trí nhằm phục vụ học tập, chẳng hạn như các kỹ năng nấu ăn, học tiếng Anh… Cuối cùng, TikTok cung cấp dịch vụ giải trí mua sắm. Người dùng xem TikTok sau khi thấy người khác mua, sẽ phát sinh hành vi mua sắm.
Có thể thấy, cách làm của TikTok là tạo ra cơ hội cho cả người mua, người bán và nhà sản xuất, sao cho tất cả đều chỉ phải bỏ mức chi phí thấp nhất. Người bán và nhà sản xuất có thể hoàn toàn tập trung vào chuyên môn, không cần quan tâm đến marketing. Trong khi người mua sẽ mua được hàng với mức giá rẻ nhất.
“Quan trọng hơn cả là người tiêu dùng mua hàng trong lúc hưng phấn nhất, ít quan tâm đến giá cả”, ông Thanh nói.
Đại diện TikTok Việt Nam lý giải, mỗi người sản xuất ra sản phẩm bất kỳ đều có lý do. TikTok trao cho họ cơ hội kể lại câu chuyện của mình. Những người sử dụng sản phẩm cũng có cơ hội kể lại rằng, tại sao họ dùng sản phẩm đấy. Từ đó, những người tiêu dùng bình thường có thể lắng nghe và ra quyết định.
Một điểm mới khác mà ông Thanh chỉ ra là, vai trò của người bán hàng cao hơn trước. Theo quan sát của ông, chỉ sau mấy tháng, tất cả ngành hàng đều có những gương mặt mà một phiên livestream trong thời gian 1 - 2 tiếng của họ chắc chắn đạt trên 1.000 đơn hàng, thậm chí hàng chục ngàn đơn hàng.
TikTok Shop theo đuổi mô hình shopertainment, là sự kết hợp của shopping (mua sắm) và entertainment (giải trí), thay vì mua sắm đơn thuần hay xem quảng cáo và mua hàng. Đây cũng là mô hình mà Shopee và Lazada đã tích cực đẩy mạnh vài năm qua.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cuộc chơi TMĐT không đơn giản chỉ dừng lại ở vài cú click trên ứng dụng. Đứng sau đó là cả một hệ thống công nghệ, logistics phân bổ trên toàn quốc - điều mà các “ông lớn” Shopee, Lazada, Tiki đã dành cả chục năm và chi những khoản tiền khổng lồ để gây dựng.
TikTok đã liên tục cập nhật và mở rộng chức năng phát trực tiếp kể từ năm 2021 nhằm cho phép các nhà sáng tạo tương tác tự nhiên hơn với khán giả của họ.
Ngoài ra, nền tảng này cũng đẩy mạnh một số tính năng khác, bao gồm phát trực tiếp cùng những người khác, hỏi - đáp, sử dụng người kiểm duyệt và bộ lọc từ khóa nâng cao. Những đổi mới này đã cho phép ứng dụng sẵn sàng mang đến sự cạnh tranh với các nền tảng trực tiếp khổng lồ như Instagram, Facebook.
Sự xuất hiện của TikTok Shop với những tính năng mới cho phép các nhà sáng tạo quảng cáo và bán sản phẩm của họ trực tiếp trên nền tảng đang thực sự tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các “ông lớn” TMĐT tại thị trường Đông Nam Á.
Người dùng của TikTok shop hầu hết là khách hàng trẻ, từ 18 - 24 tuổi (43,7%), trong đó tỷ lệ khách hàng nữ chiếm 57%. Tại Đông Nam Á, TikTok Shop hiện có khoảng 226,8 triệu người dùng - một thị trường vô cùng tiềm năng.
Bà MaryLeigh Bliss, Phó chủ tịch phụ trách nội dung của Công ty Tư vấn tiếp thị thanh niên Ypulse đánh giá, TikTok đang là nền tảng tiềm năng đối với các thương hiệu dành cho người tiêu dùng thế hệ Gen Z (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012).
Theo các chuyên gia, xu hướng TMĐT gần đây ở Đông Nam Á đã mở đường cho TikTok bước vào cuộc chơi bán hàng trực tuyến. Tận dụng lợi thế thị trường, TikTok đang tính phí hoa hồng thấp nhất (ở mức 1%, so với mức phí 10% trên các nền tảng khác) nhằm nỗ lực chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh.
Trên thực tế, TikTok đang chống lại sự cạnh tranh gay gắt từ các “gã khổng lồ” công nghệ lâu đời như Shopee và Lazada. Những công ty này dù cũng đang cung cấp các tính năng phát trực tiếp, nhưng đã bị giảm lưu lượng truy cập. Facebook Live, nơi nhiều thương hiệu tận dụng để quảng bá sản phẩm, cũng bị lép vế hơn so với TikTok do không có tính năng mua sắm trực tuyến.
Khi TMĐT ở Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ, thương mại trên mạng xã hội sẽ ngày càng phổ biến và TikTok hoàn toàn sẵn sàng nắm bắt điều này như một nguồn doanh thu. Với sức mạnh và sự “chống lưng” từ nền tảng mẹ ByteDance,
TikTok có đầy đủ tài nguyên để thử nghiệm, nghiên cứu khả năng mở rộng mối quan tâm của mình trong lĩnh vực này.
Có thể nói, sau thời kỳ phát triển bùng nổ, TMĐT truyền thống bắt đầu có xu hướng chậm lại và chứng kiến sự bùng nổ của social commerce (bán hàng qua mạng xã hội).
Giới chuyên gia cho rằng, social commerce là tương lai của ngành bán lẻ. Việc kết hợp giữa các phương tiện truyền thông xã hội, video và TMĐT đã làm cho việc mua sắm trở nên thú vị và được tương tác nhiều hơn. Đây là sự tương tác 2 chiều qua lại giữa người mua và người bán, thay vì một chiều từ người bán như các nền tảng TMĐT hiện tại.
Trước khi có TikTok Shop, TikTok đã rất thành công trong mảng Influencer Marketing (tiếp thị bằng những người có ảnh hưởng trong xã hội) với sự bùng nổ của video ngắn, mạng lưới KOC (người tiêu dùng chủ chốt), KOL (người có ảnh hưởng trong xã hội) hoạt động sôi nổi trên nền tảng đã giúp nhiều thương hiệu tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách dễ dàng hơn, từ đó lấy được niềm tin từ người tiêu dùng và tăng trưởng doanh thu.